Nhà văn – nhà báo Phạm Việt Long
Sinh năm 1946 tại Ninh Bình, Bút danh: Việt Long, Hoài An
Năm 1966, 1967 khi mới tuổi hai mươi, ông đã là phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã, trực tiếp sống và làm việc tại chiến trường Khu V, quãng thời gian cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta diễn ra vô cùng khốc liệt. Sau bẩy năm sống và làm việc tại đây, khi hoàn thành nhiệm vụ, cuộc kháng chiến toàn thắng, ông trở về cơ quan cũ rồi sau đó được chuyển sang Bộ Văn hóa – Thông tin, từ chuyên viên lên Trưởng phòng rồi Phó Văn phòng và cuối cùng trở thành Chánh Văn phòng.
Dù ở cương vị công tác nào, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt và tác phong của người lính phóng viên chiến trường năm xưa. Đó là tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, cần mẫn, trách nhiệm, kỷ luật, khoa học, làm việc với một lòng đam mê và khát khao cống hiến cho cộng đồng. Ông còn đầu tư vào việc học hỏi, nâng cao trình độ, có học vị Tiến sĩ Văn học, cao cấp chính trị. Sức làm việc và năng lực sáng tạo của ông trong công việc luôn mang lại sự bất ngờ lớn cho đồng nghiệp, người thân.
Sau khi rời nhiệm sở, ông cùng lúc đảm nhiệm các chức vụ: Người sáng lập, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam, Người đồng sáng lập, Chủ tịch Nhà xuất bản Dân Trí, Người sáng lập, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển… tiếp tục cùng nhiều cộng sự miệt mài với sự nghiệp xuất bản, báo chí, nghiên cứu khoa học.
Trong lĩnh vực văn học, nhà văn – nhà báo Phạm Việt Long đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết tư liệu Bê Trọc, mà nội dung được tác giả kể lại hoàn toàn từ những điều mắt thấy tai nghe với tư cách người trong cuộc trong những năm tháng sống nơi chiến trường. Tác phẩm đã dựng lại một thời hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) đến ngày Đại thắng mùa Xuân (1975). Bê Trọc được xem như bản hùng ca viết về những chuyện đời thường, dung dị của quân và dân ta thời lửa đạn, được độc giả đón nhận nồng nhiệt và sau đó được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng văn học cao quý khác.
Cùng thời gian này, nhà văn – nhà báo Phạm Việt Long còn có thêm 2 tập truyện ngắn Âm bản và Ngờ vực, cũng liên tục được tái bản. Sau khi nhà văn – nhà báo Phạm Việt Long sang Mỹ, về nước ông cho ra mắt cuốn sách: Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9 và đặc biệt sau đó ông còn có thêm tiểu thuyết Giã từ dày trên 400 trang lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn tổ chức. Nhiều người không thấy bất ngờ khi nhà văn – nhà báo Phạm Việt Long trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Rồi bạn đọc trẻ cả nước lại bất ngờ khi đọc trọn bộ Bi Bi và Mặt Đen gồm năm cuốn: Bỏ bỉm, Mặt Đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích dày hơn 1000 trang với 200 câu chuyện khác nhau. “Bi Bi và Mặt Đen”, mang lại một thế giới hồn nhiên, kỹ năng sống cho trẻ thơ, những bài học nhân văn, thấm đẫm tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu muôn loài, yêu thế giới, yêu hòa bình. Không ai có thể hình dung được một giọng văn trong trẻo, tươi xanh, mạch lạc, giản dị, hòa mình trong diễn biến tâm lý trẻ thơ lại là của một tác giả cao niên ở cái tuổi xưa nay hiếm như nhà văn Phạm Việt Long. Đáng chú ý hơn khi bộ truyện cổ tích thời hiện đại này của nhà văn Phạm Việt Long đã vượt qua rất nhiều cây bút trẻ để được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất năm 2018.
Ghi nhận những thành công trên văn đàn, nhà văn Phạm Việt Long giành một số giải thưởng khác ở cấp Quốc gia: Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian cho tác phẩm “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình” (2004). Giải A Hội nhạc sĩ cho cuốn chuyên luận về âm nhạc “Hát mãi Trường Sa ơi” (2016). Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tác phẩm nghiên cứu về âm nhạc “Ngân vang mãi giai điệu Tổ Quốc” (2019).
CÁC TÁC PHẨM ĐÃ IN TẠI NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
– Giã từ (tiểu thuyết), 2011
– Bê trọc (tiểu thuyết), 2013
– Bi bi và Mặt đen (Bộ truyện), 2016
– Hát mãi Trường Sa ơi, 2016
– Ngân vang giai điệu tổ quốc, 2019