KÝ ỨC CHIẾN TRẬN (QUẢNG TRỊ 1972-2022)
Tên sách: Ký ức chiến trận
Tên tác giả: Nguyễn Xuân Vượng
Thể loại: Hồi ký
Năm xuất bản: 2022
Mã ISBN: 978-604-356-662-8
LỜI GIỚI THIỆU
“Khi đại bác gầm, chính là lúc họa mi im tiếng”, đó là câu thơ thuộc số những vần thơ hay nhất của thơ ca châu Âu hiện đại. Câu thơ đã biến thành thành ngữ quen thuộc này lại vang lên trong đầu tôi khi tôi cầm tập bản thảo “Quảng Trị, 50 năm ngày ấy – Ký ức chiến trận” của Nguyễn Xuân Vượng. Không phải ngẫu nhiên tôi nhớ tới một câu thơ trong đó có tiếng đại bác gầm. Cái lý của nó hoàn toàn trực cảm: Tác giả bản thảo này là một trong những pháo thủ bắn đại bác – pháo 130 ly trong chiến dịch Quảng Trị “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Không biết tác giả và đồng đội của anh đã nổ bao nhiêu phát đại bác và phải chịu đựng bao nhiêu trận pháo giàn cấp tập của đối phương? Không ai biết được. Chỉ có một điều chắc chắn tôi biết là, tác giả đã thuộc một trong số những người lính may mắn, chiến thắng trở về, tốt nghiệp đại học, trở thành một cán bộ khoa học, đi du học châu Âu làm nghiên cứu sinh và viết tiếp những trang đời rộn tiếng họa mi ca.
Đọc lướt qua vài trang đầu bản thảo, tôi phải dừng lại vì một ý nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng: Chiến tranh chỉ thực sự kết thúc phải tới hàng chục năm sau, thậm chí hàng trăm năm sau khi chấm dứt tiếng nổ cuối cùng. Bởi vì đất nước tan khói súng nhưng cuộc chiến thì còn ám ảnh mãi trong ký ức những người cầm súng, kéo dài mãi, dai dẳng trong văn chương, trong sử học và cả trong những cơn ác mộng của thế hệ em bé phải sống cùng thời.
Ký ức chiến trận của Nguyễn Xuân Vượng ra đời trong bối cảnh văn hóa lịch sử như một hình thức nối dài chiến tranh như vậy khiến tôi không khỏi ngần ngại khi đã nhận lời đọc và viết lời giới thiệu. Tôi ngại đọc không phải vì sợ cuốn sách bắt tôi phải sống lại cái cảm giác đau đớn, kinh hoàng của cuộc chiến mà mình từng nếm trải, mà còn vì sợ phải đọc lại những chuyện thường gặp trong các hồi ký, nhật ký chiến tranh xuất bản liên tục mấy thập niên qua. Nhật ký của các liệt sĩ anh hùng Chu Cẩm Phong, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Bùi Kim Đỉnh… và hàng nghìn trang hồi ức của các cựu chiến binh chống Mỹ tôi đã đọc, lần lượt xếp gọn vào tủ sách gia đình tôi như một bộ sưu tập ký ức lịch sử. Vậy có gì mới trong tập bản thảo này? Tuy vậy, sự ngần ngại và hoài nghi của tôi lập tức bị xóa ngay sau khi đọc mục lục cuốn sách với những tiêu đề hấp dẫn, đa dạng, linh hoạt trong cách đặt tên: Đặt tên chương mục theo đề tài, theo góc nhìn người kể, theo sự kiện trung tâm và theo cảm xúc của người lính chiến chưa thể xa rời cuộc chiến.
Tôi biết tác giả từng là nghiên cứu sinh lập nghiệp trên đất Ba Lan, lập tức tôi nhớ đến quan niệm nghệ thuật của một nhà nghiên cứu Ba Lan nổi tiếng: Roman Ingarden. Nhà mỹ học hiện tượng luận này cho rằng “tác phẩm văn học chỉ thực sự tồn tại khi nó được đọc”. Điều đó có nghĩa là sáng tác chỉ là câu chuyện riêng tư của tác giả. Cuốn sách một khi chưa đến tay người đọc, nó chưa phải là tác phẩm. Tác phẩm nghệ thuật chỉ hiện hữu khi nó được tiếp nhận, được đọc, được nghe, được ngắm nhìn trong quá trình thưởng thức. Tác phẩm là sản phẩm của sự cảm thụ – tưởng tượng của công chúng độc giả. Phải xem lịch sử văn học không phải là lịch sử của sự viết mà là lịch sử của sự đọc, của sự tiếp nhận. Cuốn sách in của nhà văn chỉ như một hạt giống gieo mầm vào thế giới tinh thần của độc giả. Độc giả chính là đồng tác giả, là người đồng sáng tạo. Tôi nhận được “cuốn sách” của tác giả Nguyễn Xuân Vượng trong tâm thế của độc giả được gieo mầm, mặc dù cuốn sách lúc này chỉ là một file mềm gửi đính kèm trong email – thư điện tử.
Vinh dự được là độc giả đầu tiên của cuốn sách, nhưng tôi thực sự thành người bị tước đoạt tự do. Tôi không được tự do cảm thụ, vì đã nhận lời viết giới thiệu cho cuốn sách. Cũng giống như các bác sĩ phẫu thuật trước những ca đại phẫu cho những người thân yêu, ruột thịt, nên tránh trực tiếp cầm dao, lẽ ra tôi không nên viết giới thiệu cuốn sách này. Nhưng mối lo ấy đã được khắc phục nhanh chóng. Tôi hoàn toàn quên nhiệm vụ giới thiệu. “Hạt mầm tác phẩm” ngay từ trang bản thảo đầu tiên đã nảy nở đồng loạt trong trí tưởng tượng của tôi, đánh thức toàn bộ ký ức chiến tranh, tạo nên trong tôi một thế giới sống động của một thời tuổi trẻ cầm súng. Tôi biết, vậy là, theo R. Ingarden, tác phẩm nghệ thuật đã thực sự ra đời.
Nếu tôi nhớ không nhầm: Tác giả từng nhận nhiệm vụ nghiên cứu sinh chuyên ngành sử học tại Bungari. Nếu đúng vậy, tôi muốn nhắc đến quan niệm nghệ thuật của một nhà nghiên cứu văn học của đất nước hoa hồng này: quan niệm của Giáo sư Julie Kristieva. Theo bà, tác phẩm văn học nào, văn bản nghệ thuật nào cũng là một hiện tượng liên văn bản, là một hệ thống liên kết, tích hợp, đan cài các văn bản, gợi nhớ tới các văn bản khác trước nó và sẽ có sau này. Có thể là vô thức hay hữu thức, tác giả nào cũng sáng tác trên cơ sở kế thừa, tổng hợp các văn bản tri thức khác trước đó. Ký ức chiến trận của Nguyễn Xuân Vượng khiến tôi liên tưởng đến một văn bản nổi tiếng trong văn học Nga Xô viết: tiểu thuyết Đội cận vệ Thanh niên của Aleksandr Fadeev. Phần đầu tiểu thuyết có một tình tiết rất ấn tượng, viết về cuộc dạo chơi của nhóm học sinh trung học trước khi trở thành những thanh niên cận vệ. Trong buổi dạo chơi, hái hoa súng ven hồ, có mấy cô gái lội xuống hồ vừa với hoa trên mặt nước, vừa cất tiếng cười trong vắt, giòn tan. Nhưng có tiếng đại bác nổ. Tiếng cười vụt tắt. Tất cả biết rằng tiếng đại bác gầm là tín hiệu đầu tiên của chiến tranh. Tiếng cười tắt, là tuổi trẻ bắt đầu vào cuộc chiến tranh… Những trang đầu tác phẩm Ký ức chiến trận của Nguyễn Xuân Vượng cũng xuất hiện những chi tiết nói về những ngày đầu của một cuộc chiến tranh. Chỉ có điều, đây là cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Cuộc chiến tranh đó đến với tác giả ngay từ tuổi thiếu thời. Chúng ta có thể nghe tác giả tâm sự qua một đoạn văn giản dị trích dưới đây: “Câu chuyện bắt đầu từ trận ném bom của Không quân Mỹ vào hai ngày, mùng 3 và 4 tháng 4 năm 1965 vào các vị trí quân sự trọng yếu của tỉnh Thanh Hoá… Người lớn luôn tỏ ra rất nghiêm trọng trước những biến cố của chiến tranh đang ngày càng bùng phát. Còn bọn trẻ con chúng tôi thì vẫn cứ vô tư, chẳng chút sợ hãi gì… thậm chí còn thấy thích thú vì được trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn khác trước: Sáng sáng, trẻ con được phát một chiếc bánh mì không nhân, ăn một nửa, mang đi một nửa cho bữa trưa. Tôi đủ lớn để dìu dắt hai đứa em, dẫn dắt nhau vào trú ẩn trong hang núi Nhồi cách nhà 5 km, chiều chiều lại dẫn các em về quây quần bên mâm cơm gia đình. Cái khác đầu tiên là nhà nào cũng chuẩn bị cho gia đình mình một cái hầm trú ẩn thơm mùi đất mà bọn trẻ tha hồ chui ra, chui vào chơi trò đuổi bắt. Rồi quần áo mọi người mặc đã đổi màu, không còn những màu sắc sặc sỡ, đặc biệt màu trắng đã lùi vào dĩ vãng, màu xanh lá, màu nâu và màu đen là những gam màu chủ đạo của thời chiến. Học sinh đến trường với những chiếc mũ rơm trên đầu để tránh bom bi…”
Đoạn trích trên thể hiện một tâm trạng và hoàn cảnh chân thực đến độ điển hình đối với tuổi trẻ những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại 1964-1969. Chiến tranh Thế giới II đến với những thanh thiếu niên nước Nga như một biến cố đột ngột, bất thường. Còn ở Việt Nam, chiến tranh đến với tuổi trẻ một cách giản dị như chấp nhận một quy luật tự nhiên nào đó vậy.
Sức hấp dẫn của ký ức chiến trận không phải vì những tình tiết li kì, vì những tình huống éo le, vượt ra ngoài trí tưởng tượng dân sự. Nó hấp dẫn chính bởi sự chân thực, chân thực đến bất thường do lòng trung thực. Tác giả trung thực với chính bản thân mình. Nói đến chuyện nhập ngũ, lên đường ra trận, các truyện ký và tiểu thuyết lâu nay thường mô tả theo xu hướng lý tưởng hóa. Câu chuyện xếp bút nghiên lên đường ra trận thường được kể trong âm hưởng anh hùng ca. Độc giả văn học lâu nay chấp nhận điều đó, độc giả quen nghe như vậy. Đến Ký ức chiến trận này, Nguyễn Xuân Vượng kể khác. Tác giả trả lại cho câu chuyện nhập ngũ những năm đánh Mỹ trở về với hiện thực đời thường. Đó là thời điểm đầu thập niên 70, những cậu tú của thị xã Thanh Hóa đứng trước một tình thế lựa chọn chẳng mấy khó khăn. Hoặc là đi luôn nghĩa vụ đợt này, nhận luôn bằng tốt nghiệp, hoặc ở lại học tiếp mấy tháng, dự một kỳ thi tốt nghiệp khó khăn. “Chiến tranh liên miên chưa có dấu hiệu chấm dứt, nghĩa vụ của thanh niên trong lúc này là cầm súng ra mặt trận. Làm phận trai đến tuổi nghĩa vụ quân sự, không nhập ngũ đợt này cũng phải đi đợt khác. Nếu đi đợt này sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp đầy may rủi. Đó là một lợi thế mà ai cũng hiểu”. Vì anh trai đã được đi học nước ngoài, gia đình “chưa có người đóng góp”, chàng trai 18 Nguyễn Xuân Vượng gầy gò, chỉ nặng 42 kg, còn thiếu ba cân nữa, đã nhờ bạn mình cân hộ cho đủ các chỉ số sức khỏe vào lính. Ngày nhập ngũ, chàng gạt bỏ ý định của người cha “mua một con dê núi liên hoan” vì chàng nghĩ nó chỉ thích hợp với quy mô liên hoan đi học nước ngoài như anh trai mình. “Đi bộ đội chứ có phải đi làm vương làm tướng gì đâu mà phải liên hoan ầm ĩ thế bố?”. Chàng trả lời cha thế. Và buổi lên đường, tuy có cờ giong trống mở, loa đài, “ai cũng thấy háo hức, phấn khởi, cảm giác như mình đang là tâm điểm của vũ trụ”. Tuy nhiên, đọc, không ai không thấy phảng phất một nỗi buồn. Nỗi buồn chia ly. Nỗi buồn trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm (nhà thơ Thanh Hóa): “Đưa người ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng / Sắc trời không thắm, không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”.
Mỗi cựu chiến binh Việt Nam nhập ngũ những năm 70 (thế kỷ XX) đều có một kỷ niệm buổi đầu nhập ngũ của riêng mình. Chắc rằng khi kể lại, sẽ chẳng ai giống với ai. Nhưng có điều chắc chắn là, kỷ niệm ngày nhập ngũ trong cuốn sách này đã lột tả được tâm trạng nhập ngũ phổ biến nhất, điển hình nhất của thế hệ thanh niên học sinh thời đó. Những ý nghĩ, hình ảnh, chi tiết mà tác giả chọn lọc đều sinh động, chân thực, như làm sống lại một thời “cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre…”.
Đề tài trung tâm của cuốn sách là chiến dịch Quảng Trị năm 1972, bắt đầu từ chuyện “Đêm vượt vĩ tuyến 17” qua những “trận địa Ba Gơ”, “trận địa Ba Da”… cho đến truyện “Chiến tranh hết rồi, về học thôi”. Nhưng ký ức chiến dịch còn ngân vang, chảy mãi, nối dài qua hàng loạt chân dung đồng đội, qua các câu chuyện về các “anh hùng bị lãng quên”. Đọc, bám sát theo vết xe của chàng trinh sát – kế toán pháo binh, dần trở thành Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Vượng, có thể nhận ra sự vận động, trưởng thành của hình tượng người lính chiến Quảng Trị. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự trưởng thành, phát triển về bản lĩnh, tính cách mà còn là (và cơ bản là) sự trưởng thành về nhận thức: Từ những nếm trải chiêm nghiệm qua “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, đang dần hiện lên một trí thức trẻ từng ngày suy tư, trăn trở, cố nắm bắt bản chất sự thật cuộc chiến theo định hướng và cảm quan sử học.
Về thi pháp, đây là một văn bản nghệ thuật có cấu trúc “mở”. Mở về phương diện thể loại, đồng thời cũng mở về phương diện nội dung. Về thể loại, đây là cuốn sách có sự giao thoa và tương tác thể loại. Cụ thể là sự kết hợp đồng bộ giữa nhật ký, hồi ký, thơ thời sự và tản văn. Về nội dung, đây là một “văn bản động”. Động – không phải chỉ theo ý nghĩa luôn gợi mở, kích động trí tưởng tượng độc giả, biến độc giả thành “đồng tác giả”, mà còn ở chỗ, độc giả luôn cảm thấy tác giả còn rất nhiều điều chưa nói, chưa kịp nói, tự nợ mình.
Một trong những món nợ tinh thần sâu nặng nhất của tác giả trong cuốn sách này là chuyện về Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ – Người được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979. Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo của nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về người anh hùng đồng hương huyện mình (Nam Sách, Hưng Yên), hy sinh trên trận tuyến phía Bắc. Đọc bài báo, tác giả Nguyễn Xuân Vượng nhận ra nhân vật anh hùng được truy tặng danh hiệu đó chính là đồng đội, pháo thủ số một, cùng Trung đoàn 45 pháo binh thời chống Mỹ. Tác giả không hề ngạc nhiên vì phẩm chất của người anh hùng đã bộc lộ ngay khi hai người cùng Đại đội 802. Trong không khí phản chiến nội bộ trung đoàn, Binh nhất Đỗ Chu Bỉ khi đó vẫn vững vàng, kiên định, mực thước, thậm chí giấu nỗi buồn riêng từ hậu phương để khỏi ảnh hưởng tinh thần đồng đội. Giữa bom rơi đạn lửa, chết chóc đau thương, Binh nhất Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy, với ý thức trách nhiệm của người “có quân hàm cao nhất”. Đó là dấu hiệu thời đại báo trước sự lóe sáng về sau của người anh hùng trên Mặt trận Biên giới phía Bắc năm 1979. Truyện kể của Nguyễn Xuân Vượng về đồng đội Đỗ Chu Bỉ như một nỗ lực bổ sung cho bài báo của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhằm hoàn thiện gương mặt một nhân vật anh hùng có thật.
Nhưng nỗi nhớ đồng đội, ký ức người lính không cho tác giả Nguyễn Xuân Vượng cảm giác về sự hoàn thiện chân dung anh hùng. Vì sao? Vì tác giả nhận ra rằng mấy tờ báo có bài viết về anh hùng Đỗ Chu Bỉ đã in nhầm ảnh nhân vật. Tôi cho rằng vẫn có thể đặt vấn đề ngược trở lại: Báo in nhầm hay chính tác giả nhầm? Vì sau gần chục năm, từ Binh nhất lên quân hàm Thiếu úy, biết đâu khuôn mặt người anh hùng đã khác đi, già dặn, phong sương hơn khi phải tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới. Cho đến giờ phút này, khi tôi đang viết Lời giới thiệu, tác giả vẫn chưa liên lạc được với gia đình và địa phương Liệt sĩ để xác định danh tính đích thực của tấm ảnh in báo. Tuy nhiên, dù đúng hay nhầm, sự thắc mắc của tác giả về độ chân thực của tấm ảnh đã chứng tỏ tình cảm và nỗi nhớ khôn nguôi của tác giả về đồng đội mình trên chiến trường Quảng Trị. Trong tâm hồn tác giả, cuộc chiến tranh xưa vẫn còn tiếp diễn. Và vì vậy, văn bản của Ký ức chiến trận này vẫn là một văn bản động, văn bản mở.
Tôi viết Lời giới thiệu này khi bản thảo tác phẩm chưa khép lại, vẫn đang được viết bổ sung, sửa chữa. Tác phẩm đã đủ hình hài nhưng chưa chính thức có tên gọi, như đứa con ra đời chưa được làm giấy khai sinh. Tôi viết trong giả thiết nó có tên là Ký ức chiến trận. Cái tên tạm gọi này có thể nghe không thơ, nghe rất nặng nề, nhưng nó đúng bản chất sự vật. Vì cơ bản, đây không phải là một sáng tác văn học, tác giả cuốn sách không tận dụng tối đa các quyền hạn của hư cấu nghệ thuật. Nó là những câu chuyện người thật, việc thật, là sự giải tỏa ký ức, giải tỏa nỗi niềm của một cựu chiến binh đã bước vào cái tuổi “nhân sinh thất thập”. Tôi tin rằng, cũng giống như các tập hồi ký và bút ký chiến tranh xuất bản lâu nay, cuốn “Quảng Trị, 50 năm ngày ấy – Ký ức chiến trận” sẽ đến tay các độc giả cựu chiến binh như một đêm tâm sự đồng đội và đến với độc giả trẻ tuổi như một tác phẩm văn học. Mọi người sẽ đọc mà không cần băn khoăn trước vấn đề hư cấu hay phi hư cấu. Bởi vì mọi người sẽ nhận ra ngay trong đó sự thật chiến trận cùng vẻ đẹp và nỗi đau của những người tham gia chiến trận. Mà nghệ thuật chỉ thực sự bắt đầu khi độc giả quên mất tác giả, chỉ còn thấy có một cuộc đời tự lên tiếng kêu.
PGS TS PHẠM THÀNH HƯNG
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội